Bản tin kỹ năng mềm

Friday, July 23

ĐIỀU HÀNH THẢO LUẬN NHÓM NHỎ

ĐIỀU HÀNH THẢO LUẬN NHÓM NHỎ

Nhóm có từ ba đến tám người được coi là nhóm nhỏ. Phương pháp thảo luận nhóm nhỏ thường được dùng để lấy ý kiến người tham dự, hoặc để giúp người tham dự phân tích và rút ra bài học sau khi được cung cấp thông tin

Mục đích sử dụng

- Nhóm nhỏ được sử dụng khi cần khuyến khích sự tham gia suy nghĩ và phát biểu tích cực của mọi thành viên tham dự họp / hội thảo. Trong nhóm nhỏ mỗi người có cơ hội tham gia nhiều hơn so với nhóm lớn. Mọi người cũng tự nhiên và tự tin hơn khi tham gia bàn luận trong nhóm nhỏ so với trong nhóm lớn

- Nhóm nhỏ được sử dụng khi vấn đề đưa ra cần được bàn luận sâu sắc và kỹ lưỡng, sử dụng nhiều kiến thức, kinh nghiệm để đánh giá, kết luận về một vấn đề, hay sáng tạo ý tưởng mới. Nhóm nhỏ phát huy ít tác dụng khi nhiệm vụ yêu cầu “liệt kê”

Một số cách chia nhóm lớn thành nhóm nhỏ

Trước khi chia nhóm, người tham dự đã được giao nhiệm vụ. Về cách giao nhiệm vụ, xem tài liệu phần “Giao nhiệm vụ”

a) Đếm số thứ tự

Người tham dự đếm từ 1 đến n (n là số nhóm bạn muốn chia lớp). Sau đó những người cùng một số thì vào cùng một nhóm. Cách chia này rất hay được sử dụng trong các trường hợp mà nhiệm vụ không có một yêu cầu gì đặc biệt đối với các thành viên trong nhóm

b) Chia theo vị trí ngồi

Những người tham dự ngồi gần nhau tạo thành một nhóm. Cách chia nhóm này có ưu điểm là dễ thực hiện. Tuy nhiên nếu cần người điều hành có thể yêu cầu một số người tham dự đổi chỗ ngồi trước khi chia nhóm để đảm bảo các nhóm cân bằng về giới tính, độ tuổi, trình độ../..

c) Chia theo độ tuổi

Những người tham dự ngồi cùng một độ tuổi tạo thành một nhóm. Ví dụ người điều hành có thể chia lớp thành 3 nhóm : Nhóm 1 gồm những người dưới 30 tuổi

Nhóm 2 gồm những người từ 30 – 40 tuổi

Nhóm 3 gồm những người từ 41 tuổi trở lên

Cách này được sử dụng cho những nhiệm vụ mà sự phân tích phụ thuộc nhiều vào lứa tuổi

d) Chia theo vùng địa lý

Người tham dự được phân nhóm theo vùng địa lý (có thể là cùng xa, cùng huyện, cùng tỉnh). Cách này được sử dụng khi vấn đề thỏa luận có liên quan đến vị trí địa lý, nét văn hóa, phong tục tập quán. Ví dụ có thể chia lớp thành nhóm những người miền bắc, nhóm những người miền trung và nhóm những người miền Nam

e) Chia theo sở thích

Những người tham dự có cùng một sở thích tập trung thành một nhóm. Cách này được sử dụng khi cùng một lúc cần thảo luận về nhiều lĩnh vực khác nhau, ví dụ nhóm những người nuôi cá, nhóm những người trồng rau, nhóm những người đang nuôi con nhỏ dưới 5 tuổi.

f) Chia theo giới tính

Chia người tham dự thành 2 nhóm : nam và nữ . Cách chia nhóm này có thể sử dụng trong một số trường hợp như khi người tham dự mới quen nhau, ở những lớp học mà người tham dự nữ còn rất rụt rè hoặc khi phải thảo luận những vấn đề bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố giới tính

g) Chia theo số con

Người tham dự có cùng một số con tham gia vào một nhóm, ví dụ nhóm những người có một đến hai con, nhóm những người có ba đến bốn con, nhóm những người có từ năm con trở lên

h) Chia theo vị trí công tác

Người tham dự ở cùng một cấp độ công việc thì vào một nhóm. Ví dụ có thể chia người tham dự thành nhóm cán bộ UBND, nhóm cán bộ HPN, nhóm Đoàn Thanh niên,…. Hoặc nhóm cán bộ cấp tỉnh, nhóm cán bộ cấp huyện và nhóm cán bộ cấp xã. Cách chia này sử dụng trong nhiệm vụ để hiểu về quan điểm của mỗi cấp hay mỗi nhóm cán bộ về cùng một vấn đề liên quan chung.

i) Chia theo chuyên môn, nghiệp vụ

Người tham dự có cùng một chuyên môn vào một nhóm, ví dụ nhóm cán bộ khuyến nông, nhóm cán bộ y tế,….Cách chia này được sử dụng khi phân tích sự tác động của kiến thức chuyên nghành trong việc nhìn nhận, đánh giá một vấn đề chung; hoặc cùng một lúc cần thảo luận nhiều vấn đề

j) Chia theo đặc điểm ngoại hình

Người tham dự có thể được chia thành các nhóm theo đặc điểm ngoại hình của họ. Ví dụ những người tham dự để tóc dài vào một nhóm, những người tham dự để tóc ngắn vào một nhóm, hoặc có thể chia lớp thành những nhóm đi giày, nhóm đi dép,… Cách này sử dụng khi muốn tạo không khí vui vẻ, hài hước và nhiệm vụ không có yêu cầu đặc biệt

k) Chọn nhóm trưởng

Ngươi điều hành chỉ định các nhóm trưởng, sau đó yêu cầu những người còn lại tự chọn nhóm trưởng nào mà mình thích để tham gia nhóm của người đó. Cách này có thể giúp người điều hành nhận định được mối quan hệ giữa những người tham dự đồng thời khuyến khích người tham dự quan tâm hơn đến xây dựng mối quan hệ trong nhóm.

l) Chọn nhóm viên

Người điều hành chỉ định các nhóm trưởng và mời các nhóm trưởng chọn các thành viên cho nhóm của mình. Cách này được sử dụng khi người điều hành muốn nâng cao vai trò của một số người tham dự ít nói, ít được các người tham dự khác đánh giá cao. Những nhóm trưởng trong cách này là những người chưa thể hiện được những điểm mạnh của họ.

Điều hành hoạt động thảo luận nhóm nhỏ

Điều hành hoạt động của các nhóm nhỏ là đảm bảo

- Mỗi thành viên trong nhóm nhỏ đều được tham gia bàn luận, phát biểu, được lắng nghe và tôn trọng

- Những băn khoăn về ý nghĩa, kết qua của nhiệm vụ được giải đáp kịp thời

- Thời gian làm nhiệm vụ được điều chỉnh phù hợp với thực tế khả năng làm việc của người tham dự và yêu cầu của nhiệm vụ

- Mọi người tham dự đều tích cực làm việc

- Tạo thêm công việc cho các nhóm và cá nhân trong trường hợp họ hoàn thành nhiệm vụ trước và phải chờ các nhóm khác

Để hoàn thành nhiệm vụ điều hành, người điều hành cần quan sát thường xuyên diễn biến làm việc của các nhóm để có những tác động phù hợp. Ví dụ một số tác động có thể: giúp nhóm sắp xếp chỗ ngồi hợp lý để các thành viên nhóm có thể nghe và được lắng nghe; giải thích thêm về ý nghĩa và kết quả cần có của nhiệm vụ; nhắc nhở những thành viên ít tích cực làm việc; thông báo thời gian ; đưa thêm nhiệm vụ; cung cấp văn phòng phẩm; đặt câu hỏi để nhóm suy nghĩ sâu sắc thêm về vấn đề bàn luận.

Hai lỗi người điều hành hay mắc phải khi điều hành nhóm nhỏ là :

(i) sau khi chia nhóm người điều hành coi như mình đã xong nhiệm vụ, không quan tâm, quan sát và hỗ trợ người tham dự nữa

(ii) Người điều hành không nhớ mình là người điều hành và tham gia thảo luận nhóm như một thành viên của nhóm nhỏ

Một số cách báo cáo kết quả thảo luận nhóm nhỏ

a) Một nhóm báo cáo, các nhóm khác bổ xung

Yêu cầu một nhóm báo cáo lại toàn bộ kết quả thảo luận của nhóm mình. Những nhóm còn lại bổ sung những điểm khác biệt của nhóm mình với nhóm vừa báo cáo

b) Các nhóm lần lượt báo cáo

Từng nhóm một cử người báo cáo lại kết quả làm việc của nhóm mình. Sau đó người điều hành tổng kết lại ý kiến chung của các nhóm hoặc điều hành để người tham dự tổng kết

c) Họp chợ

Các nhóm dán kết quả làm việc của nhóm mình lên tường và cử một người đứng ở đó để thuyết minh khi cần. Những người còn lại đi vòng quanh và đọc kết quả của mỗi nhóm, đưa ra câu hỏi nếu có vấn đề cần làm rõ

d) Quả bóng tuyết

Các nhóm thảo luận và ghi kết quả xuống giấy rồi luân chuyển kết quả đó để các nhóm khác thảo luận và bổ sung

Ví dụ: Người tham dự được chia thành 3 nhóm thảo luận 3 vấn đề. Sau 10 phút :

Kết quả của nhóm 1 được chuyển cho nhóm 2

Kết quả của nhóm 2 được chuyển cho nhóm 3

Kết quả của nhóm 3 được chuyển cho nhóm 1

Các nhóm đọc kết quả của nhóm kia và bổ sung thêm ý kiến của nhóm mình. Sau 5 phút lại tiếp tục chuyển như vậy cho đến khi mỗi nhóm đều đã đọc đủ cả ba kết quả

e) Báo cáo tóm tắt

Yêu cầu mỗi nhóm thảo luận xong thì tóm tắt lại kết quả của mình (ví dụ trong 3 – 5 câu) và cử người lên trình bầy kết quả tóm tắt đó

f) Biểu diễn kết quả

Yêu cầu các nhóm biểu diễn lại kết quả của nhóm mình bằng hình tượng, vở kịch, hình vẽ hay một cách nào đó

g) Thi hùng biện

Các nhóm tham gia một cuộc thi hùng biện bảo vệ quan điểm của nhóm mình và giao lưu chất vấn các nhóm khác

Điều hành phân tích kết quả thảo luận nhóm

Thông thường sau khi (hoặc trong khi) các nhóm báo cáo lại kết quả thảo luận của nhóm mình, người điều hành thực hiện những việc sau

- Hỏi để làm rõ những ý kiến còn chung chung

- Hỏi để người tham dự trình bày quan điểm của mình khi các nhóm có những ý kiến mâu thuẫn

- So sánh kết quả các nhóm : có điểm gì chung, điểm gì bổ sung cho nhau, điểm gì mâu thuẫn với nhau

- Giúp người tham dự phân tích tìm ra những giải pháp cho những vấn đề chưa giải quyết được trong lúc làm việc nhóm nhỏ

- Tóm tắt kết quả chung

- Bổ sung một số thông tin còn thiếu

Phần điều hành phân tích sau khi nhóm báo cáo kết quả là phần hết sức quan trọng để giúp người tham dự hiểu rõ và thống nhất ý kiến, và rút ra bài học. Để làm tốt phần này, người điều hành phải sử dụng kết hợp nhiều kỹ năng cơ bản khác nhau như quan sát, lắng nghe, đặt câu hỏi, động viên khuyến khích và tóm tắt

1 comments:

Unknown said...

Bài viết truyền tải những kiến thức thật hữu ích. Cám ơn chủ top rất nhiều.
---------------------------------------------------------------------------------------
Cẩm nang cho bé- Nuôi con bằng sữa mẹ
Cẩm nang nuôi con bằng sữa mẹ thế nào cho đúng cách ?
Cam nang nuoi con bang sua me the nao cho dung cach ?

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best Buy Printable Coupons